Tin thời tiết Ẩm thực Phong thuỷ Giáo dục the thao Kinh nghiệm Hình ảnh đẹp Du Lịch Xe đẹp

10 quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến nhất thế giới

Ảnh minh hoạ.

Công nghệ được định nghĩa là việc áp dụng kiến thức khoa học, chẳng hạn kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp và quy trình vào các mục đích thiết thực của cuộc sống con người, ví dụ như phát triển sản phẩm và dịch vụ hoặc thực hiện các mục tiêu nhằm cải thiện cuộc sống. Công nghệ cũng đang định hình lại trải nghiệm của con người bằng cách áp dụng kiến thức khoa học vào nền kinh tế, truyền thông, y học và các lĩnh vực khác.

Ngày nay, công nghệ đang phát triển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới mặc dù tốc độ không giống nhau. Trong khi nhiều quốc gia đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ thì một số quốc gia khác vẫn đang bị bỏ lại phía sau.

Một số quốc gia phát triển đã triển khai ồ ạt công nghệ trong một số lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày để giúp công dân của họ tiếp cận với các công nghệ mới, đồng thời tận dụng những tiến bộ trong công nghệ để mang lại lợi thế về giao thông, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp để cải thiện cuộc sống cho người dân.

Dưới đây là 10 quốc gia được các tổ chức trên thế giới đánh giá là có trình độ công nghệ tiên tiến nhất thế giới cho đến thời điểm hiện nay.

1. Nhật Bản

Nhật Bản có lịch sử lâu đời về phát minh ra các công nghệ tiên tiến. Các nhà nghiên cứu của Nhật Bản đã có những đóng góp đáng kể cho công nghệ ô tô, máy móc, điện tử, quang học, rô-bốt công nghiệp, chất bán dẫn, luyện kim và kỹ thuật động đất.

Khoa học công nghệ là một trong những thế mạnh của Nhật Bản. Đây cũng là quốc gia phát triển mạnh nhất trên thế giới và được công nhận với những thành tựu nghiên cứu chuyên sâu, mang lại thành quả lớn cho nhân loại.

Hiện nay, trong bối cảnh CMCN 4.0, Chính phủ Nhật Bản đã từng bước ban hành và triển khai các chính sách để thúc đẩy CMCN 4.0. Năm 2013, “Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” đã được Nhật Bản đưa ra, trong đó, tập trung thúc đẩy thông minh hóa, hệ thống hóa và toàn cầu hóa. Cùng với đó, các công nghệ trọng tâm cũng được ưu tiên phát triển trong Chiến lược là công nghệ số, công nghệ nano và công nghệ môi trường.

Đặc biệt, việc phổ biến và phát triển công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) và CMCN 4.0 đã được Nhật Bản đẩy mạnh. Tháng 1/2016, “Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5, giai đoạn 2016 - 2020” được công bố, trong đó, đề xuất xây dựng một xã hội siêu thông minh hay còn gọi là “Xã hội 5.0”. Mục tiêu chính của “Xã hội 5.0” là giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian số. Đây là xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu của từng cá nhân.

Nhật Bản hiện được xem là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ trong một số lĩnh vực, bao gồm rô-bốt công nghiệp, ô tô, máy móc, điện tử, tàu cao tốc, nhà vệ sinh thông minh... Ngoài ra, đất nước này là quê hương của một số công ty công nghệ được đánh giá cao như Sony, Toshiba, Mitsubishi, Panasonic, Nintendo,...

2. Mỹ

Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia dẫn đầu về phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp. Đất nước này là nơi đã phát minh ra các tiến bộ khoa học, kỹ thuật quan trọng trong các lĩnh vực như khoa học vũ trụ, sinh học, y học, phần mềm, dược phẩm, viễn thông, kỹ thuật quân sự…Bên cạnh đó, Mỹ cũng là nơi đã sản sinh ra một số công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm Apple, Intel, Google, Facebook và Microsoft.

Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy, thị trường công nghệ Mỹ chiếm khoảng 37% tổng số thị trường công nghệ thế giới. Ngành công nghệ ở Mỹ sử dụng khoảng 13 triệu lao động tính đến tháng 3 năm 2022 và dự kiến ​​sẽ tăng 10% vào năm 2030.

Sự tiến bộ về công nghệ của quốc gia này được cho là nhờ vào khoản đầu tư lớn mà quốc gia này dành cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong đó, sinh học, y học và dược phẩm là các lĩnh vực có số lượng nghiên cứu được công bố nhiều nhất trên thế giới, vượt xa các quốc gia phát triển khác. Điều này cũng thể hiện rõ qua thực tế là Mỹ chiếm ưu thế trong các công ty dược phẩm cũng như sinh học và y học.

3. Hàn Quốc

Hàn Quốc là ví dụ điển hình về cách một quốc gia đi lên từ nghèo khó. Sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trong những năm 1960. Hàn Quốc cũng là một trong số rất ít những ví dụ điển hình về một quốc gia chuyển đổi nhanh chóng từ nền kinh tế nông nghiệp sang một cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới.

Đất nước này đã đạt được thành công to lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Người Hàn Quốc đã tận dụng tối đa những thành công của họ trong lĩnh vực công nghệ. Hiện Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về ngành công nghiệp ô tô và điện thoại thông minh.

Hàn Quốc cũng được biết đến là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thương mại công nghệ di động 5G đến người dùng vào tháng 4 năm 2019 và hiện nay, quốc gia này cũng đang tiên phong trong việc nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ di động 6G.

Hàn Quốc cũng là quê hương của các công ty công nghệ khổng lồ, bao gồm Samsung, Hyundai và LG cạnh tranh với các thương hiệu công nghệ tốt nhất trên thế giới.

4. Đức

Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên góp mặt trong danh sách các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến. Đức đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng công nghệ của các nước trên thế giới.

Quốc gia châu Âu này là một trong những quốc gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như ngành công nghiệp ô tô, khoa học vũ trụ và công nghệ quân sự. Người Đức cũng được đánh giá là các chuyên gia hàng đầu về công nghệ quân sự, kỹ thuật, nghiên cứu y tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Đức là quê hương của 3 tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu trên thế giới là Hiệp hội Fraunhofer, Hiệp hội Max Planck và Cộng đồng khoa học Gottfried Wilhelm Leibniz. Bên cạnh đó, Đức cũng là nơi sản sinh ra các công ty sản xuất ô tô nổi tiếng toàn cầu như BMW, Volkswagen, Mercedes,…

5. Singapore

Singapore là quốc gia tiêu biểu trong việc nắm bắt những tiến bộ về công nghệ để thiết kế và xây dựng đất nước theo hướng hiện đại và thân thiện với người dân, tạo ra một mô hình quốc gia thông minh hàng đầu trên thế giới.

Đất nước này là hình mẫu chuẩn mực hoàn hảo cho một quốc gia của tương lai. Không chỉ là quốc gia thông minh nhất thế giới, Singapore còn có rất nhiều điểm nổi bật khác như: Môi trường sống trong lành, môi trường giáo dục lý tưởng, chuẩn mực xã hội rất cao, rất ít tệ nạn xã hội, tham nhũng...

Singapore còn được biết đến là quốc gia có tốc độ truy cập internet nhanh nhất thế giới, điều này đã mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong thời đại kỹ thuật số. Ngoài ra, ngành khoa học và công nghệ của Singapore cũng phát triển rất nhanh nhờ các nhà đầu tư mạo hiểm tiếp tục đầu tư vào các công ty mới thành lập.

Một số tiến bộ công nghệ nổi bật đã được Singapore nghiên cứu và triển khai trong thực tế như xe taxi tự lái, xe buýt tự lái, sử dụng máy bay không người lái và rô-bốt để giám sát các hành vi phạm tội, hệ thống nhà thông minh, cột đèn thông minh,…

6. Vương quốc Anh

Với hơn 70 người đoạt giải Nobel, các nhà khoa học Anh chỉ đứng sau Mỹ về số lượng người đoạt giải thưởng cao quý này trên toàn thế giới. Đặc biệt, phòng thí nghiệm Sinh học phân tử của Trường Đại học Cambridge đã giành nhiều giải Nobel hơn bất kỳ phòng thí nghiệm nào trên thế giới. Tuy chỉ chiếm 1% dân số của thế giới nhưng nước Anh đã tiến hành tới 5% tổng số nghiên cứu khoa học của thế giới.

Công nghệ sinh học là một ngành phát triển nhanh nhất. Nước Anh đang thử nghiệm nhiều kỹ thuật mới để tạo ra các giống biến đối gien có khả năng chống lại bệnh tật, sâu bọ và thuốc diệt cỏ. Những công nghệ này cũng được dùng để chế tạo những vắc-xin mới chống lại bệnh dịch quy mô lớn, và sản xuất ra các sinh phẩm cải tiến mới.

Một số phát minh nổi tiếng, làm thay đổi cuộc sống của nhân loại đã được các nhà khoa học của Vương quốc Anh công bố như động cơ phản lực, động cơ hơi nước, động cơ điện, bóng đèn,…

Vương quốc Anh hiện đang là một trong các nước có đóng góp rất nhiều cho khoa học thế giới nói chung. Những nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cũng góp phần cải thiện cuộc sống, sức khoẻ và tinh thần cho người dân không chỉ ở quốc gia này mà trên cả toàn cầu.

7. Thụy Điển

Thụy Điển là một đất nước có trình độ phát triển cao về khoa học công nghệ, có nhiều kinh nghiệm thành công trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù dân số không lớn, từ một nước nghèo nhất ở châu Âu vào giữa thế kỷ XIX, sau 1 thế kỷ tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Thụy Điển đã trở thành một nước phát triển hàng đầu thế giới, có vị trí và uy tín cao trên thị trường quốc tế.

Thụy Điển đã đi qua giai đoạn công nghiệp hóa và đang trên đường tiến tới một xã hội hậu công nghiệp với cơ sở là kinh tế tri thức, là một trong những nước có tỉ lệ chi cho nghiên cứu và triển khai công nghệ trong công nghiệp cao (3% GDP). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển chủ yếu nhờ vào sự thành công của các công ty công nghệ. Thụy Điển cũng là một trong những quốc gia có thành tựu lớn nhất trong việc phát triển web và ứng dụng.

Với dân số chỉ gần 10 triệu người, Thụy Điển là trung tâm đổi mới sáng tạo. Thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã tạo ra số lượng kỳ lân (công ty công nghệ tỷ USD) cao thứ 2 trên thế giới tính theo bình quân đầu người. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cứ 1.000 lao động thì có đến 20 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) ở Thụy Điển.

Là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu những giải pháp công nghệ để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Thụy Điển đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đất nước này là quê hương của một số công ty công nghệ khổng lồ như Ericsson, Skype, Spotify, Torrent, Volvo, Electrolux, …

8. Israel

Mặc dù Israel không phải là một quốc gia quá lớn, nhưng nó vượt xa hầu hết các quốc gia khác khi nói đến sự tiến bộ trong công nghệ. Quốc gia Do Thái nổi tiếng với những đổi mới trong ngành nông nghiệp thông minh và công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, đất nước này là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.

Công nghệ đóng góp vào khoảng 35% xuất khẩu của Israel. Về nghiên cứu khoa học vũ trụ, quốc gia này hiện được xếp hạng trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Israel cũng nổi tiếng với những phát minh trong lĩnh vực quân sự, chẳng hạn như việc phát triển máy bay không người lái đầu tiên, có thể theo dõi mọi tình huống trong thời gian thực. Đất nước này là một trong số ít các quốc gia có công nghệ tiên tiến với cơ sở hạ tầng xe điện tiên tiến. Họ có mạng lưới trạm sạc được duy trì tốt trên khắp đất nước.

9. Trung Quốc

Trung Quốc đang trở thành một trong những quốc gia tiên phong về đổi mới sáng tạo. Với hàng loạt dấu ấn, nước này đang cho thấy tham vọng và tầm ảnh hưởng của mình đến ngành công nghệ toàn cầu.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc xây dựng một nền tảng vững chắc về trí tuệ nhân tạo (AI). Theo bảng xếp hạng chỉ số AI của Đại học Stanford, Trung Quốc nằm trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, 1/3 các bài báo khoa học và trích dẫn quốc tế trong năm 2021 là của học giả Trung Quốc. Về đầu tư kinh tế, năm 2021, các công ty tư nhân nước này rót 17 tỷ USD vào AI, chiếm gần 1/5 nguồn vốn đầu tư tư nhân toàn cầu trong lĩnh vực này.

Chính phủ Trung Quốc nỗ lực theo đuổi mục tiêu đến năm 2030 sẽ đứng đầu về AI toàn cầu. Những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ nhờ AI là giao thông vận tải, thiết kế chip, y tế và công nghiệp phần mềm.

Bên cạnh lĩnh vực AI, thì Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đang đầu tư và phát triển mạnh về các công nghệ mới nổi như 5G, điện toán lượng tử, siêu máy tính và năng lượng tái tạo.

Giờ đây, Trung Quốc đang trên hành trình vươn tới mục tiêu bá chủ công nghệ vào năm 2035 với nhiều thách thức to lớn nhưng tiềm lực không hề nhỏ. Đáp trả sự trừng phạt khốc liệt của Mỹ, họ đang quyết chạy đua phát triển chip tiên tiến, các công nghệ cốt lõi khác và các công nghệ mới nổi để trở thành "một siêu cường công nghệ tự lực cánh sinh” với bệ đỡ khá vững về kinh tế, nhân lực và nhân tài.

10. Thụy Sỹ

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Thụy Sỹ là quốc gia sáng tạo nhất thế giới. Mặc dù khan hiếm tài nguyên công nghiệp tự nhiên, nền kinh tế của đất nước luôn được xây dựng dựa trên khoa học và công nghệ. Cả chính phủ và khu vực tư nhân đều nhiệt tình ủng hộ cách làm này.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng thế giới đến từ đất nước Thụy Sỹ là đồng hồ đeo tay, một phụ kiện thời trang không thể thiếu trong thế giới ngày nay. Với sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, Thụy Sỹ đã trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Đất nước này có tỷ lệ thất nghiệp thấp, lao động có tay nghề cao và cũng là một trong những quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Tóm lại, thời kỳ công nghệ số hiện đại đã mang đến rất nhiều tiện ích cho con người. Trong tương lai không xa, lợi ích của công nghệ hiện đại sẽ còn nhiều đổi mới sáng tạo và phát triển hơn nữa, mang đến những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.