Đơn vị:

9 cách nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng, dễ làm

Phô mai là thực phẩm cung cấp canxi và chất béo. Chính vì vậy mà nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo món cháo phô mai nên có trong thực đơn ăn dặm của bé.

Vậy, nấu cháo phô mai như thế nào để vừa thơm ngon, vừa cân bằng dinh dưỡng? Mời bạn tham khảo 9 cách nấu cháo phô mai cho bé được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Lợi ích của phô mai đối với trẻ em

Phô mai là thực phẩm giàu dinh dưỡng, với hàm lượng cao chất béo, canxi, vitamin D… cần thiết cho sự phát triển cả về thể chất lẫn trí não của trẻ. Một số lợi ích mà trẻ ăn cháo phô mai có thể nhận được là:

  • Phát triển chiều cao tối ưu
  • Xương, răng chắc khỏe
  • Phát triển cơ bắp nhờ hàm lượng protein có trong phô mai
  • Hạn chế nguy cơ bị còi xương
  • Phát triển hệ thần kinh nhờ hàm lượng chất béo vừa phải
  • Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa vì phô mai chứa nhiều loại men vi sinh tốt cho sức khỏe.

Khi nào nên cho trẻ ăn phô mai? Trẻ ăn bao nhiêu phô mai là đủ?

1. Khi nào nên cho trẻ ăn phô mai?

Trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi) đã có thể ăn được phô mai. Tuy nhiên, không phải loại phô mai nào bé cũng ăn được.

  • Cha mẹ cần chọn cho con ăn phô mai được sản xuất từ nguyên liệu đã tiệt trùng để hạn chế các nguy cơ nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
  • Nếu trẻ dưới 1 tuổi, bạn chỉ nên cho con ăn phô mai tách muối.
  • Khi trẻ được 1 tuổi, phô mai ít muối (ít natri) cần được ưu tiên.

2. Trẻ ăn bao nhiêu phô mai là đủ?

Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà lượng phô mai bé có thể ăn được sẽ khác nhau. Cụ thể:

  • Với trẻ từ 6-8 tháng tuổi: Chỉ nên cho bé ăn 28-56g phô mai mỗi ngày.
  • Với trẻ từ 8-10 tháng tuổi: Lượng phô mai bé có thể ăn được mỗi ngày là khoảng 56-113g.
  • Với trẻ từ 10 tháng tuổi trở lên: Lượng phô mai trẻ được ăn mỗi ngày có thể tăng lên tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ.

9 cách nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm cao lớn, khỏe mạnh

1. Cách nấu cháo phô mai cho bé với khoai lang

cách nấu cháo phô mai với khoai lang cho bé

Khoai lang nổi tiếng với hàm lượng vitamin A cao, giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Việc nấu cháo phô mai với khoai lang cho bé ăn dặm sẽ cho ra một món ăn với màu vàng ươm đẹp mắt.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • ½ củ khoai lang cỡ vừa
  • 1 miếng phô mai
  • 1 muỗng dầu ô liu

Cách nấu cháo phô mai cho bé với khoai lang:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo.
  • Bước 2: Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín rồi nghiền nhuyễn, lọc qua rây để loại bỏ phần xơ, chai (nếu có).
  • Bước 3: Cháo chín, cho khoai lang vào khuấy đều.
  • Bước 4: Tắt bếp, cho phô mai vào tán cho tan rồi trộn đều.
  • Bước 5: Múc ra chén, có thể thêm chút dầu ô liu và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

2. Cháo trứng gà phô mai

Cháo phô mai trứng gà là một món ăn dặm vừa dễ ăn, vừa dễ nấu. Trứng gà chứa hàm lượng cao canxi, protein, vitamin D… giúp bé phát triển chiều cao vượt trội.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 1 quả trứng gà
  • 1 miếng phô mai
  • 1 muỗng dầu ô liu

Cách nấu cháo trứng phô mai:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo.
  • Bước 2: Trứng gà tách lấy lòng đỏ, đánh đều.
  • Bước 3: Cháo chín, cho lòng đỏ trứng gà vào khuấy thật nhanh và đều tay để trứng không bị vón cục.
  • Bước 4: Vặn nhỏ lửa, đợi cháo sôi thêm khoảng 2-3 phút thì tắt bếp.
  • Bước 5: Cho phô mai vào tán cho tan rồi trộn đều.
  • Bước 6: Múc cháo trứng gà phô mai ra chén, thêm dầu ô liu và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

3. Bí đỏ phô mai nấu cháo cho bé

cách nấu cháo bí đỏ phô mai cho bé

Bí đỏ là một thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, vitamin E… hỗ trợ sức khỏe của mắt, da và sức khỏe tổng thể của trẻ nhỏ. Cháo phô mai nấu với bí đỏ sẽ giúp bé tăng cân đều.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 30g bí đỏ
  • 100ml nước dùng (nước hầm xương, nước luộc gà…)
  • 1 miếng phô mai

Cách nấu cháo phô mai bí đỏ cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo với nước dùng.
  • Bước 2: Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch rồi luộc hoặc hấp chín, sau đó tán nhuyễn.
  • Bước 3: Cháo chín, cho bí đỏ vào, khuấy đều đến khi cháo sôi.
  • Bước 4: Tắt bếp, cho phô mai vào tán mịn và đảo đều.
  • Bước 5: Múc cháo bí đỏ phô mai ra chén và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

4. Cháo phô mai cà rốt cho bé ăn dặm

Tương tự như bí đỏ, cà rốt cũng chứa nhiều tiền tố của vitamin A, giúp bé sáng mắt, tinh anh. Sự kết hợp giữa cháo phô mai và cà rốt giúp món ăn trông hấp dẫn, thơm ngon, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 30g cà rốt
  • 1 miếng phô mai.

Cách nấu cháo phô mai với cà rốt cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo với nước dùng.
  • Bước 2: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ, rồi luộc/hấp chín, sau đó nghiền nhuyễn, rây qua rây để thu được hỗn hợp nhuyễn mịn.
  • Bước 3: Cho từ từ cà rốt vào nồi, vừa cho vừa đảo đều tay.
  • Bước 4: Tắt bếp, cắt nhỏ miếng phô mai rồi cho vào nồi, khuấy đều để phô mai tan.
  • Bước 5: Múc cháo ra chén và cho bé thưởng thức khi còn ấm.

5. Cháo cá hồi phô mai cho bé ăn dặm

cách nấu cháo phô mai cá hồi cho bé

Cá hồi là một loài cá béo giàu dinh dưỡng, nổi bật nhất là omega-3, dưỡng chất giúp phát triển não bộ của trẻ. Món cháo phô mai cá hồi vừa hỗ trợ bé tăng trưởng về mặt thể chất, vừa cải thiện trí não cho con.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 25g cá hồi
  • 1 miếng phô mai
  • 1 củ hành tím
  • 1 muỗng dầu ô liu

Cách nấu cháo phô mai cá hồi cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo.
  • Bước 2: Cá hồi sơ chế cho thật sạch rồi hấp chín, gỡ bỏ xương, tách lấy phần thịt, sau đó gỡ rời từng thớ thịt hay tán nhuyễn theo khả năng ăn thô của bé.
  • Bước 3: Bóc vỏ hành tím rồi rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Bước 4: Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn và hành vào phi thơm, sau đó cho cá hồi vào xào thơm.
  • Bước 5: Cháo chín, cho cá hồi vào, khuấy đều đến khi cháo sôi lại.
  • Bước 6: Tắt bếp, múc cháo ra chén, cho phô mai vào tán cho tan rồi cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

6. Cháo tôm phô mai với bông cải xanh

Nếu bạn thắc mắc nấu cháo phô mai với rau gì, thì đừng bỏ qua bông cải xanh. Đây là thực phẩm vừa tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, vừa có lợi cho sự phát triển của não bộ.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 30g tôm tươi
  • 30g bông cải xanh
  • 20g hành tây
  • 1 miếng phô mai
  • 1 muỗng dầu mè
  • Nước dùng (nước hầm xương, nước hầm gà…)

Cách nấu cháo phô mai với bông cải xanh cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo với nước dùng.
  • Bước 2: Bông cải xanh rửa sạch, tước bỏ xơ, hấp chín, xay mịn hoặc băm nhuyễn.
  • Bước 3: Tôm bỏ đầu, lột vỏ, rút chỉ đen, rửa sạch rồi băm nhỏ.
  • Bước 4: Hành tây bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
  • Bước 5: Bắc chảo lên bếp, cho dầu mè và hành tây vào phi thơm, sau đó cho tôm vào xào chín.
  • Bước 5: Cháo chín, cho bông cải xanh và tôm vào, khuấy đều đến khi cháo sôi lại thì tắt bếp, cho phô mai vào tán cho tan.
  • Bước 6: Múc cháo ra chén, cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

7. Cách nấu cháo phô mai với khoai tây cho bé ăn dặm

cách nấu cháo phô mai cho bé

Khoai tây là một loại củ giàu dinh dưỡng, chứa vitamin C, vitamin B6, canxi, magiê, sắt… Cháo phô mai khoai tây sẽ cung cấp cho trẻ ăn dặm những vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 1 củ nhỏ khoai tây
  • 1 miếng phô mai
  • 1 muỗng dầu ô liu

Cách nấu cháo phô mai với khoai tây cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Nấu cháo như đã hướng dẫn ở trên.
  • Bước 2: Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, cắt nhỏ, hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
  • Bước 3: Cháo chín, cho khoai tây vào khuấy đều.
  • Bước 4: Tắt bếp, cho phô mai vào tán cho tan rồi trộn đều.
  • Bước 5: Múc ra chén, thêm dầu ô liu và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

8. Cháo yến mạch phô mai

Yến mạch là thực phẩm giàu chất xơ, protein, vitamin, khoáng chất và chứa nhiều chất chống oxy hóa. Việc nấu cháo yến mạch phô mai cho bé ăn dặm vừa giúp tăng sức đề kháng cho bé, vừa hỗ trợ trẻ phát triển chiều cao.

Nguyên liệu:

  • 25g gạo tẻ
  • 25g yến mạch
  • 1 miếng phô mai.

Cách nấu cháo yến mạch phô mai cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo.
  • Bước 2: Yến mạch ngâm nước khoảng 30 phút. Trong khi ngâm cần thay nước 1-2 lần.
  • Bước 3: Cháo chín, cho yến mạch vào nấu trong khoảng 10-15 phút.
  • Bước 4: Vặn nhỏ lửa, cho phô mai vào tán cho tan rồi trộn đều.
  • Bước 5: Tắt bếp, múc cháo ra chén và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

9. Cháo thịt bò phô mai cho bé

cách nấu cháo phô mai thịt bò cho bé

Thịt bò vốn chứa nhiều chất sắt và có hàm lượng protein cao. Sự kết hợp giữa cháo phô mai và thịt bò giúp bổ máu và bổ sung canxi cho trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, còi xương…

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 30g thịt bò
  • 1 miếng phô mai
  • 1 muỗng dầu ô liu.

Cách nấu cháo thịt bò phô mai cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Vo gạo, ngâm gạo khoảng 1 giờ cho gạo nở mềm, rồi nấu thành cháo.
  • Bước 2: Thịt bò rửa sạch, thấm khô, thái miếng nhỏ rồi băm hoặc xay nhuyễn.
  • Bước 3: Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Bước 4: Bắc chảo lên bếp, cho dầu và hành tím vào phi thơm, sau đó cho thịt bò vào xào chín.
  • Bước 5: Cháo chín, cho thịt bò vào, đảo đều đến khi cháo sôi.
  • Bước 6: Tắt bếp, để cháo nguội bớt rồi cho phô mai vào đánh tan, múc cháo ra chén, cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

Lưu ý khi cho bé ăn phô mai

Khi cho trẻ ăn dặm cháo phô mai, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Khi nấu cháo phô mai cho bé, mẹ nên chọn những thực phẩm nấu cùng có hương vị phù hợp với phô mai.
  • Để hạn chế mất chất dinh dưỡng của phô mai trong quá trình nấu cháo, mẹ chỉ nên cho phô mai vào sau cùng. Một mẹo là mẹ nên để cháo nguội bớt ở nhiệt độ khoảng 70-80 độ C rồi mới cho phô mai vào khuấy đều.
  • Nên chọn mua phô mai đến từ thương hiệu nổi tiếng, uy tín, còn hạn sử dụng lâu dài để đảm bảo an toàn cho bé.
  • Khi kết hợp phô mai, mẹ nên cân nhắc gia giảm lượng dầu ăn để bé không bị dư chất béo.
  • Nếu trẻ ăn cháo phô mai có phản ứng dị ứng, như nổi mẩn đỏ, ngứa… hãy ngưng cho bé ăn và đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các món ăn dặm cho trẻ cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 9 cách nấu cháo phô mai cho bé ăn dặm vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng.

[embed-health-tool-vaccination-tool]