Đơn vị:

Huyết áp tâm thu là gì? Chức năng và ý nghĩa nói lên điều gì?

Khi đo huyết áp, kết quả cho thấy hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc sẽ giải thích về chức năng và ý nghĩa của chỉ số huyết áp tâm thu, đồng thời hướng dẫn cách để giữ cho huyết áp tâm thu ổn định.

Huyết áp tâm thu

Huyết áp tâm thu là gì?

Huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa, thể hiện áp lực của dòng máu lên lòng mạch ở thì tâm thu, phản ánh khả năng bơm máu của tim đi tới các hệ cơ quan trong cơ thể. Trong nhịp tim, tim đẩy máu vào động mạch. Huyết áp tâm thu là thước đo áp lực này trong động mạch khi tim đập.

Huyết áp tâm thu có ý nghĩa gì?

Huyết áp tâm thu thường được quan tâm hơn bởi nó thể hiện khả năng bơm máu từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể. Huyết áp tâm thu phụ thuộc vào sức co bóp của tim và thể tích máu mỗi nhịp co bóp. Nếu tim co bóp càng mạnh hoặc lượng máu tống ra càng nhiều thì huyết áp tâm thu sẽ càng cao và ngược lại. Khi dùng huyết áp kế để đo huyết áp bằng tay, tiếng tim đập đầu tiên nghe được khi xả bao hơi đánh dấu huyết áp tâm thu. (1)

Chức năng của huyết áp tâm thu

Khi tim co bóp, áp lực của máu lên động mạch tăng lên, máu được đẩy từ tim ra và đi đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Huyết áp tâm thu phản ánh khả năng bơm máu của tim tới các hệ cơ quan. Đồng thời, chỉ số huyết áp tâm thu chịu sự chi phối của thế tích máu ở mỗi nhịp cơ bóp và sức co bóp của tim. Do đó, khi đo huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu cho thấy huyết áp của người bệnh đang trong mức độ bình thường, hay quá cao/quá thấp. Từ đó, có thể chẩn đoán nguy cơ các bệnh lý liên quan hoặc đưa ra hướng điều trị ổn định huyết áp tâm thu.

Huyết áp tâm thu dao động trong khoảng bao nhiêu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết áp tâm thu dao động trong khoảng từ 90 - 140mmHg được cho là mức bình thường. Lý tưởng nhất là nằm trong khoảng từ 115 - 120mmHg.

Nếu huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên, có thể bạn đang gặp tình trạng huyết áp cao. Ngược lại, nếu chỉ số huyết áp tâm thu dưới mức 85mmHg thì có thể bạn đang bị huyết áp thấp.

Các mức dao động của huyết áp tâm thu:

Tình trạng Mức huyết áp tâm thu Thấp < 90 mmHg Bình thường < 120 mmHg Tiền cao huyết áp 120 - 129 mmHg Tăng huyết áp giai đoạn 1 130 - 139 mmHg Tăng huyết áp giai đoạn 2 >= 140 mmHg Cơn tăng huyết áp >= 180 mmHg

Các yếu tố tác động đến huyết áp tâm thu

Huyết áp tâm thu thay đổi do nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố bên trong và môi trường bên ngoài cơ thể.

1. Yếu tố bên trong cơ thể

Yếu tố bên trong cơ thể thường gặp là tình trạng xơ cứng động mạch, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo đầy đủ máu đến các cơ quan khác; do mắc bệnh liên quan đến cơ tim hoặc các động mạch đột ngột giãn ra quá nhiều. Huyết áp tâm thu tăng dần theo tuổi tác, đồng nghĩa với người càng lớn tuổi thì huyết áp tâm thu càng cao. Ngoài ra, béo phì, thừa cân cũng tác động đến huyết áp tâm thu. (2)

2. Yếu tố từ môi trường bên ngoài

  • Tập luyện thể dục với các bài tập nặng, thời gian tập kéo dài;
  • Làm việc tay chân nặng;
  • Bị căng thẳng, áp lực quá mức;
  • Chế độ ăn nhiều muối làm tăng huyết áp tâm thu;
  • Thời tiết nắng nóng, cơ thể bị mất nước.

Huyết áp tâm thu không ổn định ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

Khi huyết áp tâm thu ở mức bình thường, cho thấy thể tích máu đang lưu thông trong cơ thể và được tim bơm máu đầy đủ đến các cơ quan. Tuy nhiên, chỉ số huyết áp tâm thu không ổn định, tăng quá cao hoặc giảm thấp đột ngột, sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu và nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Huyết áp tâm thu tăng khi vận động thể lực hoặc căng thẳng là điều bình thường, người bệnh không cần phải lo lắng. Nhưng khi đang nghỉ ngơi, chỉ số huyết áp tâm thu tăng cao đột ngột là dấu hiệu bất thường, được coi là huyết áp cao. Tình trạng này phổ biến ở người từ 50-60 tuổi trở lên.

Huyết áp tâm thu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, suy giảm chức năng thận, thậm chí có nguy cơ tử vong. Trong khi đó, huyết áp tâm thu thấp có thể xảy ra nếu cơ tim quá yếu để đẩy máu đi bình thường, hoặc các động mạch giãn ra nhiều một cách đột ngột. (3)

Huyết áp tâm thu cao tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Huyết áp tâm thu cao tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Các phương pháp chẩn đoán huyết áp tâm thu

Để kiểm tra huyết áp tâm thu đang ở mức độ nào, bình thường hay quá cao/ quá thấp so với mức tiêu chuẩn, cần đo huyết áp. (4)

Tại tất cả các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện đều có thiết bị đo huyết áp. Khi đến thăm khám, người bệnh sẽ được nhân viên y tế đo theo đúng quy trình, sau đó được thông báo kết quả về các chỉ số huyết áp, bao gồm mức huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Trường hợp huyết áp người bệnh không ổn định, bác sĩ có thể cho đeo máy Holter 24h, giúp theo dõi huyết áp ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc để đánh giá chính xác. Bên cạnh đó, hiện có nhiều thiết bị đo huyết áp nhỏ gọn, dễ sử dụng, mọi người có thể tự đo và theo dõi huyết áp ngay tại nhà.

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: để xem bạn có bị thiếu máu hay không;
  • Điện tâm đồ;
  • Siêu âm tim;
  • Siêu âm bụng tổng quát;
  • Siêu âm mạch máu;
  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân: chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận…

Cách để giữ ổn định cho huyết áp tâm thu ổn định

Huyết áp là thước đo áp lực trong động mạch cả hai thì tâm thu và tâm trương. Cả hai giá trị này đều quan trọng để chẩn đoán và kiểm soát huyết áp cao - huyết áp thấp.

Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là chỉ số quan trọng trong quá trình điều trị một loạt bệnh, bao gồm bệnh tim hoặc mất máu nghiêm trọng. Do đó, cần đo huyết áp đúng cách trong điều kiện yên tĩnh để có kết quả chính xác, từ đó có hướng điều trị phù hợp. (5)

Huyết áp tâm thu quá cao hay quá thấp đều phản ánh vấn đề về sức khỏe. Do đó, mỗi người nên chủ động giữ huyết áp ổn định bằng cách:

  • Ăn uống lành mạnh, thực đơn giàu chất xơ;
  • Hạn chế mỡ, nội tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn nhiều dầu mỡ;
  • Chú ý đến lượng muối khi chế biến món ăn;
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày;
  • Có thói quen tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp;
  • Tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác;
  • Duy trì cân nặng hợp lý;
  • Làm việc vừa phải, nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng quá mức;
  • Tự theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát tốt huyết áp

Người có huyết áp tâm thu không ổn định nên thăm khám sức khỏe định kỳ

Mọi bất thường về huyết áp tâm thu cần được theo dõi, kiểm tra để tìm kiếm chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng xử trí hiệu quả. Do đó, những người có tiền sử bệnh lý liên quan đến huyết áp nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, theo dõi chỉ số huyết áp đều đặn.

Việc thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ, theo dõi huyết áp thường xuyên sẽ giúp khắc phục tình trạng huyết áp tâm thu không ổn định cũng như quản lý các bệnh tim mạch. Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, trang bị hệ thống máy móc hiện đại giúp tầm soát và điều trị bệnh huyết áp hiệu quả.

Hy vọng thông qua bài viết, có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chức năng và ý nghĩa của chỉ số huyết áp tâm thu; từ đó, có thể theo dõi huyết áp, có giải pháp giúp ổn định huyết áp kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ gây các bệnh lý nguy hiểm đến tim, não, thận.