Đơn vị:

Xe Mazda3 cũ giá rẻ chỉ từ 400 triệu đồng, khi mua cần kiểm tra 3 lỗi sau

Mẫu xe thương hiệu Nhật Bản Mazda3 xuất hiện lần đầu tại thị trường Việt Nam vào năm 2004, do Liên doanh Ô tô Hoà Bình - VMC lắp ráp và phân phối để thay thế cho dòng xe Mazda 323 trước đó nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Chỉ đến tháng 12/2014, Mazda3 chuyển sang thiết kế mới Kodo và động cơ mới SkyActiv mới do Thaco lắp ráp mới tạo được sức hút mạnh mẽ.

Ngay sau khi ra mắt, kể từ năm 2015, Mazda3 nhanh chóng vượt qua Toyota Corolla Altis để vươn lên trở thành mẫu xe sedan cỡ C bán chạy nhất thị trường và nắm giữ vị thế đó trong suốt một thời gian dài.

Hiện tại, Mazda3 chỉ trang bị động cơ 1.5L bao gồm cả sedan và hatchback với giá bán dao động từ 579-739 triệu đồng. Các mẫu xe sản xuất từ tháng 9/2022 trở về trước sẽ có 2 tùy chọn động cơ 1.5L và 2.0L.

Trên thị trường xe cũ, Mazda3 đời 2015-2019 đang được giao dịch từ 375-580 triệu đồng tùy vào năm sử dụng, còn đời từ 2019-2023 sẽ dao động từ 508-690 triệu đồng. Với kiểu dáng trẻ trung, sang trọng, nội thất khá tiện nghi vào nhiều tính năng an toàn, mẫu xe cỡ C này là một lựa chọn hấp dẫn đối với người dùng.

Trên thị trường, những chiếc Mazda3 cũ tuy giá cả phải chăng nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro về vận hành nếu người mua không kiểm tra kỹ. Dưới đây sẽ là những bệnh thường gặp trên Mazda3 do VietNamNet tổng hợp qua phản ánh của người dùng trên các cộng đồng, hội nhóm sử dụng xe:

Nổi đèn "Check Engine" hay còn gọi là "lỗi cá vàng"

"Lỗi cá vàng" hay hiện tượng nổi đèn Check Engine có thể coi là một trong những lỗi lớn nhất mà mẫu xe Mazda3 gặp phải, chủ yếu xảy ra đối với phiên bản động cơ SkyActiv 1.5L trên các biến thể sedan và hatchback được sản xuất từ giai đoạn tháng 7/2015 đến tháng 6/2016. Ngoài ra, lỗi này còn xảy ra đối với dòng Mazda2 do dùng chung động cơ với Mazda3.

Màn hình táp-lô hiển thị đèn Check Engine hay còn gọi là lỗi
Lỗi 'cá vàng' hay xảy ra trên dòng xe Mazda3 và Mazda2 đời 2015-2016 sử dụng động cơ 1.5L khiến Thaco phải triệu hồi xe để xử lý lỗi. Ảnh: Otosaigon

Hiện tượng nổi đèn Check Engine của Mazda3 được Thaco công bố vào tháng 4/2016 do đoạn ống dẫn bình xăng có nguyên liệu kẽm hoặc mạ kẽm, không tương thích với lượng nhiên liệu, dẫn đến tạo nên muội đen, làm tắc đầu kim phun nhiên liệu trong động cơ.

Khi động cơ Mazda3 đưa ra cảnh báo này, điều đó có nghĩa là một số bộ phận liên quan như cảm biến khí nạp, cảm biến khí thải, kim phun, bugi, van điều khiển lọc khí... đang có vấn đề. Thaco cũng đã phải đưa đưa ra thông báo triệu hồi đối với hai mẫu xe Mazda3 và Mazda2, tổng cộng gần 5.000 xe lần lượt vào vào tháng 5 và tháng 10 cùng năm 2016.

Hiện tại, nếu xe Mazda3 đời 2015-2016 vẫn xuất hiện cảnh báo Check Engine, người dùng nên mang xe tới trung tâm bảo dưỡng của đại lý chính hãng để xử lý sớm vấn đề này. Từ cuối năm 2016, Thaco đã cam kết lỗi kể trên không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của xe.

Lỗi phanh khẩn cấp tự động

Lỗi nguy hiểm tiếp theo trên xe Mazda3 là lỗi phanh khẩn cấp tự động, xảy ra trên phiên bản Premium của thế hệ mới được trang bị gói an toàn i-Activsense từ 2019-2020. Theo thông báo triệu hồi chính thức của Thaco vào tháng 3/2020, nguyên nhân gây ra lỗi phanh khẩn cấp tự động trên xe Mazda3 là do phần mềm điều khiển hệ thống phanh (SBS) được cài đặt chưa phù hợp.

loi he thong phanh mazda3.jpg
Lỗi phanh khẩn cấp tự động trên Mazda3 chủ yếu xảy ra trên phiên bản Premium. (Ảnh: Mazda)

Trong một số điều kiện nhất định, xe tự động kích hoạt hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp tự động dù phía trước không hề có phương tiện hay chướng ngại vật. Đây là một lỗi làm tăng nguy cơ tai nạn, đặc biệt ở các trường hợp lưu thông với tốc độ cao trên cao tốc hoặc trong những trường hợp có xe đi phía sau.

Đến thời điểm này, có thể số lô xe Mazda3 trên đã được khắc phục theo chương trình triệu hồi của hãng, nhưng nếu người tiêu dùng chọn mua mẫu xe đời 2019-2020, nên kiểm tra kỹ trước khi xuống tiền mua.

Mô tơ gập gương đóng mở không đều

Đây cũng là một trong những bệnh thường gặp không chỉ trên Mazda3 mà còn cả CX-5 và Mazda6 từ đời 2016 trở lại đây. Tình trạng này xảy ra sau khi người dùng vừa mang xe đi rửa hoặc đi trong điều kiện trời mưa, khiến việc đóng mở gương không đều, bên cụp bên xòe. Đặc biệt, những xe bị tình trạng nặng, mô tơ gương chạy liên tục, kêu ngay cả khi đã tắt máy, thậm chí còn làm hết bình ắc quy.

loi gap guong xe mazda3.jpg
Gương gập cánh cụp cánh xòe là một trong những lỗi thường gặp trên xe Mazda3. Ảnh: Otosaigon

Hãng Mazda có bảo hành cho mô tơ gập gương có vấn đề do lỗi nhà sản xuất nhưng sẽ từ chối bảo hành nếu chủ xe lắp thêm các phụ kiện khác như gập gương lên xuống kính do chúng có thể làm quá tải mô tơ. Còn trong trường hợp xe có hiện tượng mở gương không mượt, có tiếng cọt kẹt, người dùng có thể dùng RP7 hoặc chất bôi trơn xịt vào khe gương.

Nếu không được bảo hành, người dùng buộc phải thay thế mô tơ và khung xương mới tại các xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô có uy tín để đảm bảo độ bền và an tâm hơn. Do vậy, khi mua xe Mazda3 đời 2016, người dùng cần lưu ý vấn đề này.

Trên đây là ba lỗi "kinh niên" nhất thường gặp trên Mazda3 sản xuất từ 2015 trở lại đây. Bên cạnh đó, mẫu xe này cũng có một số tình trạng gây khó chịu cho người dùng như bị trễ ga do động cơ đột ngột mất công suất, tính năng i-Stop bị trục trặc,... nhưng người dùng có thể dễ dàng khắc phục được.

Bạn đánh giá thế nào về vấn đề lỗi trên mẫu xe Mazda3? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!